Lượt xem: 740

Huyện Châu Thành khuyến khích phát triển sản phẩm tiềm năng OCOP

Từ đầu năm đến nay, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở huyện Châu Thành gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và sự quan tâm của chính quyền địa phương, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất này tiếp tục ổn định hoạt động; đồng thời, chú trọng đầu tư, cải tiến công nghệ, thiết kế mẫu mã mới, từng bước nâng cao chất lượng để tham gia chương trình sản phẩm OCOP, mở ra nhiều thị trường tiêu thụ.

    An Hiệp là xã đầu tiên có nhiều sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP của huyện. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao là bánh pía nhân đậu xanh, lạp xưởng mai quế lộ, thịt heo khô; đạt tiêu chuẩn 3 sao là bánh phồng tôm thượng hạng của Công ty TNHH Quãng Trân.

    Trong tháng 3 vừa qua, xã có thêm 1 sản phẩm đủ điều kiện xem xét đạt tiêu chuẩn 3 sao là sản phẩm mì nui của cơ sở Thanh Đại. 2 sản phẩm đề nghị đạt tiêu chuẩn 4 sao là hạt sen đường phèn và bắp non đóng hộp của Công ty TNHH chế biến thực phẩm nấm xuất khẩu Tư Thao.

Công ty TNHH bánh pía, lạp xưởng Hải Sơn, ấp Xây Đá B, xã Hồ Đắc Kiện đăng ký bánh pía nhân kim sa và nhân can xại là sản phẩm tham gia OCOP năm 2020. Ảnh Mỹ Dung

    Đến thời điểm này, huyện Châu Thành có thêm 3 sản phẩm nữa đủ điều kiện trình UBND tỉnh xem xét, công nhận. Tuy ảnh hưởng của Covid-19, Công ty TNHH bánh pía, lạp xưởng Hải Sơn, ấp Xây Đá B, xã Hồ Đắc Kiện hoạt động sản xuất thời gian qua cũng gặp đình trệ, nhưng Công ty vẫn đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện.

    Bà Trương Hồng My - nhân viên quản lý Công ty TNHH bánh pía, lạp xưởng Hải Sơn, ấp Xây Đá B, xã Hồ Đắc Kiện cho biết: “Công ty chọn sản phẩm tham gia OCOP năm nay là bánh pía nhân kim sa và nhân can xại. Để sản phẩm đạt được chất lượng an toàn cho người tiêu dùng, Ban lãnh đạo Công ty phải lập kế hoạch rõ ràng từ các thiết bị cho nhà xưởng, trang bị lao động để hoạt động sản xuất được tốt hơn. Bên cạnh đó công ty cũng duy trì theo hệ thống quản lý chất lượng HACP/GMP từ nguyên liệu đầu vào đến sản xuất được kiểm tra chặt chẽ. Người lao động được tạo điều kiện để nâng cao trình độ tay nghề ngày càng cải thiện hơn”.

    Với những sản phẩm OCOP đã được công nhận, các công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch quảng bá và phát triển sản phẩm, xâm nhập vào thị trường khó tính như hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Cũng nhờ tham gia các sự kiện quảng bá, đã giúp cho sản phẩm của các công ty được nhiều nơi biết đến, hoạt động kinh doanh có bước phát triển, nâng cao được giá trị sản phẩm so với trước đây.

    Đồng chí Nguyễn Văn Hậu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho biết: “Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân xã đã hỗ trợ các công ty về mặt hồ sơ thủ tục. Dự kiến trong năm 2020, xã phấn đấu đạt nhiều sản phẩm OCOP, cụ thể như Công ty Tân Huê Viên sẽ đề xuất bánh pía kim sa, kẹo gạo lức; Công ty Tân Lộc Phát đề xuất bánh pía nhân môn đậu đỏ; Công ty gỗ Tú Huệ sẽ sản xuất ra tủ, bàn ghế sản phẩm và cơ sở bún Thanh Đại với sản phẩm con nui,... các công ty, cơ sở sản xuất trên đang phối hợp với các đơn vị lập thủ tục theo quy định”.

    Trong thời gian tới, huyện Châu Thành tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, xây dựng nguồn nguyên liệu đầu vào tại địa phương; quy trình sản xuất phải bắt kịp với công nghệ hiện đại; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng chí Võ Minh Luân -Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành nói: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện đến cuối năm nay phấn đấu Châu Thành 20 sản phẩm nữa chứng nhận về OCOP. Huyện Châu Thành sẽ tiếp tục chỉ đạo tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ của doanh nghiệp, của hợp tác xã, cán bộ của xã, những người tham gia trực tiếp thực hiện chương trình OCOP, hiểu rõ các nội dung, các thủ tục, các điều kiện để đạt các tiêu chí cũng như các hồ sơ minh chứng để đảm bảo hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp cùng tham gia. Xây dựng quảng bá chương trình các sản phẩm OCOP huyện Châu Thành, trong đó Châu Thành dự kiến sẽ xây dựng 1 điểm để trưng bày sản phẩm OCOP”.

    Bên cạnh các mặt hàng thế mạnh sẵn có của địa phương như bánh kẹo, lạp xưởng, nấm rơm, nấm bào ngư, chế biến đồ gỗ nội thất, huyện Châu Thành cũng khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cải tiến các sản phẩm có khả năng phát triển thành sản phẩm OCOP như cốm dẹp, các sản phẩm từ sen; hột vịt muối, hột vịt bắc thảo, mắm bò hóc óp; thủ công mỹ nghệ (vẽ tranh trên kính)... Qua đó khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng phát triển của các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; đồng thời phát huy các giá trị ngành nghề truyền thống địa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế huyện nhà.
Mỹ Dung


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 37
  • Hôm nay: 214
  • Trong tuần: 70,641
  • Tất cả: 11,802,648